Montessori tạo ra môi trường phát triển ngôn ngữ hiệu quả
Tiến sĩ Maria Montessori nhận thấy rằng tâm trí của một đứa trẻ cũng giống như miếng bọt biển, nó có khả năng thấm hút tất cả mọi thứ trẻ tiếp xúc một cách vô thức trong những năm đầu đời. Bà cho rằng vai trò của giáo dục trong giai đoạn này chính là tổ chức lại môi trường sao cho các thông tin trẻ tiếp nhận là bổ ích và phù hợp với sự phát triển tự nhiên. Dựa trên tinh thần đó, hệ thống trường học Montessori đã đầu tư không gian học, lớp học, giáo án, học cụ đúng tiêu chí cho sự hoàn thiện về ngôn ngữ của trẻ.
Đặc điểm của thời kỳ nhạy cảm ngôn ngữ ở trẻ
0 đến 6 tuổi là thời kỳ nhạy cảm về cảm quan và ngôn ngữ của trẻ, theo đó trẻ bị kích thích từ tất cả mọi thứ trong thế giới xung quanh mình. Nếu khái niệm về ngôn ngữ không được nắm bắt trong giai đoạn này, trẻ sẽ rất khó để có thể học được ngôn ngữ ở những năm tiếp theo.
Đối với đứa trẻ mới chào đời, thể giới này như một màu trắng ngập tràn âm thanh. Trẻ chỉ thụ động tiếp nhận những tiếng động xung quanh mà không cần một chút nỗ lực nào. Nhờ vào sự nhạy cảm ngôn ngữ và trí tuệ thẩm thấu mà trẻ có thể hiểu được những tiếng ồn này. Cơ miệng và lưỡi bắt đầu di chuyển, từ 6 tháng tuổi trẻ đã có thể ê a chuyện trò cùng bố mẹ và cố gắng hiểu âm thanh ngôn ngữ. Đến khi gần 1 tuổi chúng bắt đầu bập bẹ những từ có ý nghĩa.
Từ năm 3 tuổi trở đi sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ vô cùng mạnh mẽ. Trẻ liên tục hỏi tại sao, vì sao, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và gọi tên các sự vật, hiện tượng xung quanh mình. Theo bà Maria Montessori, đây là giai đoạn tốt nhất để trẻ học viết và phát triển ngôn ngữ vì bà cho rằng khi đôi tay làm gì thì tâm trí sẽ khắc ghi điều đó. Khoa học đã chứng minh có sự kết nối giữa các ngón tay và não của chúng ta, các giáo cụ học ngôn ngữ của Montessori đã tận dụng rất tốt mối liên hệ này, giúp trẻ học dễ dàng hơn và ghi nhớ lâu hơn.
Góc phát triển ngôn ngữ của lớp học Montessori
Điểm khác biệt về học ngôn ngữ trong Montessori chính là trẻ sẽ làm quen với viết trước rồi mới đọc. Các hoạt động hỗ trợ trẻ học viết bao gồm tô màu, vẽ trên cát, lắp ráp các chữ cái bằng gỗ có thể tách rời và ghép tùy ý, cảm nhận chữ viết qua các đầu ngón tay trên nền giấy nhám,…đều có tác dụng trong việc kích thích tư duy khám phá những điều mới lạ của trẻ.
Ngoài ra việc phát triển ngôn ngữ tại lớp học Montessori còn thông qua các hoạt động hát, đóng kịch, kể chuyện, đọc thơ…Trẻ không bị ép buộc học những kiến thức khô khan mà từ từ lĩnh hội qua những hoạt động thú vị, tận dụng sự vận động của cả 2 bán cầu não đế hỗ trợ tư duy.
Giáo cụ về ngôn ngữ hiện diện ở tất cả các góc trong lớp học Montessori, được bày trí một cách khoa học và vô cùng đẹp mắt. Mỗi giáo cụ đều có thẻ tên tương ứng để giúp trẻ gọi đúng tên và trao dồi thêm vốn từ vựng.
Tất cả trẻ em đều trải qua quá trình phát triển giống nhau nhưng với tốc độ khác nhau, Montessori tôn trọng sự riêng biệt này và luôn tạo điều kiện để mỗi trẻ có thể trưởng thành một cách tự nhiên nhất, với vốn kiến thức nền tảng vững chắc và thái độ sống tích cực, tự tin.