8 cách giáo dục Montessori hay áp dụng tại nhà dành cho cha mẹ
Giáo dục Montessori nổi tiếng thế giới không phải chỉ giới hạn là công việc của những cô giáo dạy trẻ chỉ ở những trường Montessori, mà triết lý giáo dục của nó cũng quan trọng cho cha mẹ chúng ta có thể áp dụng ngay chính tại căn nhà của mình.
Có 3 triết lý quan trọng và 8 cách giáo dục của Montessori mà cha mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà.
Quan Sát:
Để biết trẻ cần gì, bạn cần đóng vai trò như người quan sát tốt. Tránh hiểu như giám sát.giám sát là bạn giới hạn khả năng hoạt động và sáng tạo của trẻ, cho trẻ 1 môi trường siêu dễ dàng, không thử thách cho trẻ. Ngược lại, quan sát là cho trẻ sự tự do nhưng vẫn đảm bảo môi trường đủ an toàn cho trẻ khám phá. Sẽ có 2 cách giáo dục liên quan đến điều này:
- Làm mẫu: Trẻ con có thể học cách bắt chước bạn, đôi lúc sự bắt chước của trẻ gây ra 1 vài rắc rối. VD, trẻ có thể nhìn bạn xếp dao nĩa vào khay chén, và bắt chước làm nó. Lúc này, thay vì la mắng, thì đó là cơ hội tốt để làm mẫu cho trẻ. VD. Bạn hướng dẫn trẻ từng bước như ngồi xuống, cho trẻ 1 số muỗng đũa và chén để trẻ hiểu quy trình xếp vào khay như thế nào.
- Xây dựng thói quen tốt: Trẻ con sẽ cảm thấy khó chịu khi phải làm theo cái mà trẻ được bảo, nhưng sẽ làm theo khi hiểu đó là việc làm hằng ngày. Dạy trẻ 1 thói quen tốt nên bắt đầu bằng việc cho trẻ học cách xây dựng nó mỗi ngày. VD, sáng thức dậy xếp chăn gối hoặc tắt TV sau 8 giờ tối.
Lắng Nghe:
Để hiểu trẻ suy nghĩ gì, bạn cần học cách lắng nghe tốt. Tránh hiểu như nghe cho có hay gì cũng hứa. Lắng nghe là cách bạn bắt đầu cho trẻ hiểu 2 điều: thừa nhận ý kiến của trẻ và tôn trọng nó. Nó quan trọng vì trước 6 tuổi là giai đoạn trẻ học về bản thân trẻ. Khi đó, đứa trẻ hiểu rằng cha mẹ thừa nhận mình và tôn trọng mình thì đứa trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ và tôn trọng cha mẹ mình sau này. Sẽ có 3 cách giáo dục nằm trong phạm vi này:
- Rõ ràng cái gì được, cái gì không: Cách chúng ta thường mắc sai lầm là cái gì cũng được khi vui, khi buồn cái gì cũng không. Do đó, trẻ rất khó hiểu điều gì là được phép, điều gì không. Càng lớn trẻ càng khó chịu vì trẻ cảm thấy dường như cha mẹ không quan tâm đến suy nghĩ của trẻ, sự ương bướng và mâu thuẫn càng lớn khi trẻ muốn nhiều hơn. Cách giáo dục ở đây là rõ ràng từ sớm, nói 1 là 1, 2 là 2, cho là cho, không là không, đừng vì năn nỉ, hay thương con mà thay đổi. Nó cần như vậy, để trẻ hiểu về giới hạn. Khi trẻ lớn từ 2 tuổi, cần cho trẻ biết về luật và nguyên tắc. Trong đó, cái gì được, không được, hậu quả vi phạm, và phần thưởng khi làm tốt.
- Cho thông tin, lời hướng dẫn dạng xây dựng; đừng phàn nàn hoặc ra lệnh. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng quát tháo đứa trẻ, nó mới chịu nghe lời. Tuy nhiên kết quả là ngược lại, bạn càng năn nỉ, hoặc ra lệnh thì đứa trẻ càng khó bảo hơn. Tại sao? Đơn giản là đứa trẻ không được học về kỷ luật rõ ràng, lúc thì năn nỉ để làm, lúc thì quát tháo để làm. Do đó, bạn chỉ cần cho thông tin đúng là được. VD, đứa trẻ hỏi bạn về 1 điều gì đó dù đã hỏi nhiều lần? Lúc này đừng nói dạng như “mẹ bảo nhiều lần rồi mà”, bạn chỉ cần nói: cái này Bin hỏi mẹ rồi. Nhớ không? Và đơi trẻ đáp ứng và tiếp tục cho thông tin giúp trẻ xây dựng.
- Hỏi trẻ về điều cần giúp: Đừng ngại khi làm điều này vì đó là 1 bài học bạn dạy trẻ. Không có gì xấu hổ khi hỏi ai đó giúp đỡ. Bạn có bao giờ thắc mắc là tại sao trẻ hay lăn ra khóc tức tưởi khi cố tự mặc quần áo mà mẹ chạy vào giúp ngay với trẻ? Thực ra, lúc này là trẻ gặp khó khăn thực sự, nhưng trẻ học về sự độc lập và chưa hiểu về ý nghĩa của việc cần giúp đỡ. Đó là cơ hội tốt thực hành điều này. Thay vì săn tay áo giúp đỡ trẻ ngay, thì hãy dừng lại và hỏi trẻ trước: “Bin, con có cần mẹ đỡ tay này cho con xỏ vào dễ hơn không?” Bạn sẽ nhạc nhiên là đứa trẻ rất vui vẻ tìm sự giúp đỡ của bạn. Nhưng, nếu trẻ không chịu, thì hãy tôn trọng và chờ dịp khác để cho trẻ sự giúp đỡ.
Cho nhận xét đúng:
Để biết trẻ làm tốt hay chưa tốt, bạn nên là người công tâm và cho lời khen và nhận xét đúng về điều trẻ làm. TS. Maria Montessori từng nói: “Đừng bao giờ giúp đứa trẻ với việc mà nó cảm thấy mình có thể thành công.” Bài học quan trọng khi nhỏ mà đứa trẻ cần học, không phải là hạnh phúc ảo tưởng qua các lời khen sáo rỗng, các hoạt động được làm dễ, mà là hạnh phúc thực sự trên nổ lực từng bước trẻ trải nghiệm và thành công. Lời nhận xét đúng, thậm chí có thể dẫn trẻ đến 1 cảm giác buồn, không vui, nhưng quan trọng và có ích để trẻ trưởng thành hơn. Có 3 cách giáo dục trong phạm vi này:
- Cho lời cảm ơn chân thành, đúng: Văn hóa người Việt ít dùng từ cảm ơn và xin lỗi hơn người Phương Tây. Bạn biết không, đó là 1 cách giao tiếp tốt khi ai đó làm cho mình, thậm chí chỉ là 1 việc làm mình cảm thấy vui, thì nói lời cảm ơn là điều rất tốt. Ngược lại, xin lỗi là cách thể hiện 1 hành vi mình đang làm phiền ai đó. Với trẻ, khi trẻ làm 1 việc tốt, hay chạy lại giúp đỡ bạn, thì hãy nói cảm ơn trẻ. Và khi bạn nóng giận, la trẻ vô cớ thì hãy nói lời xin lỗi trẻ. Trẻ sẽ thầm cảm ơn bạn vì những cử chỉ này vì đứa trẻ khi nghe được những điều này lúc nhỏ sẽ trở nên tự tin hơn về cuộc sống.
- Khen vào nỗ lực trẻ làm. Tránh khen sáo rỗng như : “Bin giỏi quá”, hay “con gái mẹ thông minh quá”, mà hãy khen vào điều trẻ làm được, nó giúp trẻ phát triển động lực tốt hơn. VD, Bin nè hôm nay con đi học ngày đầu nhưng không khóc, mẹ cảm thấy tự hào về con!
- Cho nhận xét đúng, thật : Trẻ con nên học sự thành thật từ sớm. Khi bạn cho trẻ nhận xét, hãy nhận xét về điều trẻ làm được và điều trẻ chưa làm được. Trẻ có thể buồn vì điều này, cảm xúc này không thể chối cãi, và dần dần trẻ sẽ học cách chấp nhận và hiểu về thất bại. Khi đó, đứa trẻ sẽ hiểu cảm xúc hạnh phúc sẽ lớn hơn rất nhiều khi biết chấp nhận và vượt qua cảm xúc buồn chán trước đó do thất bại.