Skip to main content

Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ nói và vai trò của người lớn trong việc hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ

Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ nói và vai trò của người lớn trong việc hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ

Nói đến sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ ta nói đến 2 giai đoạn trong việc hấp thụ ngôn ngữ.

GIAI ĐOẠN 1: GIAI ĐOẠN TIỀN NGÔN NGỮ – GIAI ĐOẠN HẤP THỤ:

  • 7 tháng trong tử cung người mẹ đến khi sinh: giai đoạn này trẻ tiếp thu, nghe tiếng của mẹ, âm thanh của nước ối, âm thanh của hơi thở người mẹ. Khi trẻ nghe những âm thanh này trẻ thường có phản ứng vơi sự kích thích của âm thanh và đặc biệt là phản hồi lại giọng nói của mẹ. Vì giọng nói của người mẹ là điểm tham chiếu của trẻ. Trong giai đoạn này người mẹ cần ăn uống lành mạnh, giữ được tâm lý bình tĩnh, thoải mái, vui vẻ. Người mẹ có thể trò  chuyện với trẻ hoặc hát,đọc thơ cho trẻ nghe.
  • Từ khi sinh ra cho đến 5 tháng tuổi: trong giai đoạn này trẻ nghe hiểu từ và tiếp nhận thông tin qua trải nghiệm trong môi trường sống của trẻ. Tại thời điểm trẻ được sinh ra giao tiếp phản xạ của trẻ bằng phản ứng không có chủ ý, khi trẻ được 2 tháng tuổi trẻ có thể quay đầu về phía giọng nói quen thuộc. Trong giai đoạn này trẻ tạo ra non-language sound (âm thanh phi ngôn ngữ), giao tiếp thông qua tiếng khóc và ngôn ngữ cơ thể khác, tạo ra âm thanh “goo”. Từ 2 đến 4 tháng tuổi trẻ có thể bập bẹ nguyên âm, trẻ thử nghiệm với nhiều non-language sound hơn. Lúc này trẻ biết được rằng âm thanh và hành động của mình có thể được lắng nghe và phản hồi từ một người khác. Khi trẻ được 4 tháng tuổi trẻ nhận biết Language sound phát ra từ miệng, trẻ bắt đầu đợi đến lượt, nhìn chằm chằm và cười (nụ cười xã hội) tất cả những biểu đạt này là nền tảng của giao tiếp có chủ đích. Trong giai đoạn này  người mẹ cần cho trẻ được bú mẹ hoàn toàn và những thành viên khác trong gia đình cần phải chú ý đến những gì trẻ đang cố gắng thể hiện với chúng ta, phải làm mẫu việc nói bằng ngôn ngữ con người, phải thay phiên nhau nói và lắng nghe khi giao tiếp với trẻ, cho trẻ cơ hội phản hồi theo cách mà trẻ có thể, phải trò chuyện với trẻ khi đang tương tác như là thay tã, tắm…tất cả các thành viên trong gia đình có thể hát cho trẻ nghe các bài hát dân ca,đọc sách và đọc thơ theo nhịp điệu. Có thể làm và sử dụng một số loại đồ chơi khi treo lên có sự chuyển động giúp trẻ phát triển thị giác, thính giác và xúc giác. Tất cả các thành viên trong gia đình phải duy trì trật tự trong sinh hoạt hàng ngày và các điểm tham chiếu, phải phản hồi trẻ một cách nhất quán.
  • Từ 5 tháng đến 10 tháng tuổi: trong giai đoạn này trẻ cố gắng tạo ra âm thanh mà trẻ nghe được và nhìn chuyển động của miệng chúng ta, đây chính là lúc trẻ xử lý từ và nghĩa của từ đó khi chúng ta nói với trẻ. Trẻ biểu đạt không phân biệt, kết hợp nguyên âm và phụ âm. Trẻ bắt đầu bằng những âm thanh được tạo ra từ phía sau miệng/cổ họng như “ga ga”, sau đó là “papa, dada,mama…”.Thời điểm này một phần của âm thanh phi ngôn ngữ sẽ kích thích rung động của cơ quan phát âm, trẻ khiếm thính có thể nói bập bẹ trong giai đoạn này. Khi trẻ 6-8 tháng trẻ dõi theo ánh nhìn của người lớn và tỏ ra quan tâm đến điều đó, trẻ bắt đầu liên kết các từ, cụm từ  mà trẻ nghe nhiều với ý nghĩa cụ thể như “ Papa, mama” trẻ có thể bò ra cửa hoặc phía cửa chờ ba mẹ. Tiếp theo, trẻ có thể bập bẹ có phân biệt – trẻ dần dần ngưng phát ra âm thanh ngôn ngữ không có trong môi trường và chỉ tạo ra những âm thanh ngôn ngữ có trong môi trường ngôn ngữ. Việc luyện tập tạo ra tất cả các loại kết hợp phụ âm và nguyên âm được nghe trong môi trường ngôn ngữ. Giai đoạn này trẻ khiếm thính ngừng nói bập bẹ. Trẻ 8 tháng tiếp tục bập bẹ có phân biệt với các sự kết hợp phu âm, nguyên âm ngày càng nhiều, trẻ bập bẹ các từ được gắn vào mà chúng ta thường không nghe thấy và chúng ta không đoán ra được. 9 tháng trẻ bắt đầu giao tiếp có chủ đích với thông điệp cụ thể để thu hút sự chú ý của người lớn hoặc để dừng điều gì đó lại để người lớn làm điều gì cho trẻ hay để người lớn chú ý đến trẻ. Trẻ làm điều này bằng cách sử dụng cả giọng nói và tất cả các cử chỉ, đặc biệt chỉ bằng ngón trỏ. Trong giai đoạn này người mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tiếp tục tương tác với trẻ, thể hiện sự quan tâm đến những gì trẻ thể hiện và chỉ cho ta thấy. Ngoài ra tiếp tuc cho trẻ thấy những điều thú vị xung quanh trẻ. Người lớn sử dụng ngôn ngữ mô tả phong phú để kết nối trẻ với những thói quen, những trải nghiệm hàng ngày, những đồ vật,những động vật, những con người trong môi trường. Chúng ta gọi tên mọi đồ vật và cả hành động chúng ta làm, khi giao tiếp với trẻ ta hạ thấp người xuống và thể hiện sự tôn trong khi trò chuyện với trẻ, nói rõ ràng chậm rãi, giao tiếp mắt, làm mẫu nghệ thuật trò chuyện với trẻ. Ta cần tách biệt ngôn ngữ và vận động (nói thì không làm, làm thì không nói). Ta hát cho trẻ nghe, đọc sách,thơ có vần điệu cho trẻ.
  • Từ 10-12 tháng trẻ tiếp thu ngôn ngữ qua cấu trúc câu, cách sắp xếp các từ trong câu và hình thành ngôn ngữ tinh vi. Giai đoạn này trẻ sử dung nhiều từ tập chung sự chú ý của người lớn hơn,có kỹ năng vận động thể hiện sự hiểu biết các mệnh lệnh đơn giản như “bye-bye” cúi đầu, ạ, thơm vào má. 12 tháng trẻ nói được từ có nghĩa – có thể hiểu được. Khi trẻ nói được từ đầu tiên trẻ bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ nói của giai đoạn ngôn ngữ biểu đạt. Người lớn tiếp tục hỗ trợ trẻ như giai đoạn trước.

GIAI ĐOẠN 2 – GIAI ĐOẠN BIỂU ĐẠT NGÔN NGỮ

  • Từ 12-18 tháng: trẻ bùng nổ việc sử dụng danh từ, mỗi tuần trẻ nói được 50 từ mới, sau đó trung bình 9 từ mới mỗi tuần. Danh từ được nói là những vật có tầm quan trọng nào đó với cuộc sống của trẻ. Trẻ sử dụng nhiều cử chỉ để chỉ cho chúng ta thấy. Trong gia đoạn này trẻ khái quát danh từ ví dụ như tất cả đàn ông đều là Ba, tất cả động vật có 4 chân đều là chó, trẻ nói 1 từ đơn để thể hiện ý nghĩa cả một đoạn…Trong giai đoạn này người lớn cần tạo môi trường giàu ngôn ngữ với những trải nghiệm phong phú cho trẻ. Người lớn nói chậm rãi, rõ ràng và chính xác, ta phải dành thời gian để lắng nghe và hiểu trẻ, ta phải nói một câu hoàn chỉnh với trẻ. Ta có thể sử dụng bộ card phân loại với các chủ đề phong phú cung cấp từ vựng cho trẻ.
  • Từ 18-24 tháng: trẻ sử dụng được cụm từ gồm hai từ: tính từ với danh từ hoặc danh từ với động từ, trẻ khái quát các thì của động từ như “tôi đã đi”… Các lỗi ngữ pháp đơn giản mắc phải sẽ tự bình thường trở lại. Cha mẹ trẻ và người lớn cần mở rộng các danh từ và làm mẫu cách nói đúng ngữ pháp nhưng không chỉnh sửa trẻ trực tiếp. Có thể sử dụng các học cụ ngôn ngữ như các loại thẻ, các vật mô phỏng, cung cấp tên cho trẻ.
  • Từ 24-36 tháng đây là giai đoạn bùng nổ việc sử dụng ngôn ngữ hoàn chỉnh, những câu đầy đủ dần trở nên phức tạp hơn. Giai đoạn này trẻ vẫn có thể phát âm sai một số âm thanh ngôn ngữ. Cũng trong giai đoạn này ngôn ngữ tiếp thu của trẻ (hiểu về ngôn ngữ) luôn lớn hơn ngôn ngữ biểu đạt của trẻ (từ ngữ được sử dụng). Cũng trong giai đoạn này môi trường ngôn ngữ của trẻ đóng vai trò quan trọng đối với lượng từ và độ phức tạp của từ trong cả ngôn ngữ tiếp thu và biểu đạt. Người lớn cần làm giàu vốn từ vựng của trẻ thông qua các thẻ, những bài mô phỏng vật thật,những cuộc trò chuyện, những khuyến khích trẻ tiếp tục bằng cách lắng nghe và phản hồi, bằng những câu hỏi gợi mở.