Phát triển thể chất tối ưu cho con trong 6 năm đầu đời nhờ Montessori
Trong nghiên cứu của mình bà Maria Montessori đã từng viết: “Quan sát một em bé, chúng ta nhận ra rằng sự phát triển về tâm trí của trẻ là kết quả của vận động.” Nếu phụ huynh chỉ chú trọng cải thiện tư duy mà bỏ qua những hoạt động phát triển thể chất trong 6 năm đầu đời sẽ khiến trẻ trở nên yếu ớt, lười vận động, ảnh hưởng khả năng học tập và tiếp thu, đồng thời rất dễ mắc các vấn đề về tâm lý.
Những đứa trẻ Montessori được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần mỗi ngày, các em được “học mà chơi, chơi mà học” nên không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán ghét việc đến trường. Môi trường học Montessori tạo ra nhiều cơ hội để vận động, cải thiện thể lực và trí lực cho trẻ.
3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ
Theo ông Sugo Tatsuya – chuyên gia thể chất đến từ Tập đoàn JACPA Nhật Bản, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ bao gồm giấc ngủ, dinh dưỡng và vận động. Muốn con lớn lên thật khỏe mạnh, ba mẹ cần chăm sóc từng giấc ngủ của con, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và thường xuyên cho con hoạt động thể lực trong 6 năm đầu đời:
Tập cho con ngủ đúng giờ và đủ giấc
Ngủ ngon và đủ giấc giúp cho não có thời gian sắp xếp và hệ thống lại các kiến thức trẻ được tiếp thu trong ngày, giúp quá trình ghi nhớ hiệu quả hơn và cải thiện kết quả học tập. Sau một giấc ngủ dài, cơ thể trẻ được phục hồi năng lượng và sẵn sàng cho các hoạt động của ngày tiếp theo. Ba mẹ nên tập cho trẻ ngủ sớm vì giai đoạn từ 22h đến 1h là lúc cơ thể tiết ra lượng hoocmon tăng trưởng (GH) cao nhất để hỗ trợ cho quá trình phát triển thể lực và chiều cao.
Bổ sung đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn
Khẩu phần ăn hàng ngày cần đầy đủ đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất,…để phát triển thể chất, xây dựng hệ cơ xương khỏe mạnh. Không cho trẻ bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường vì dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, chậm lớn.
Hoạt động thể lực thường xuyên và đúng cách
Vận động giúp cơ thể trẻ thêm dẻo dai, linh hoạt, tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ thừa cân béo phì hoặc mắc các bệnh mãn tính. Hai khung giờ vàng ba mẹ có thể khuyến khích con vận động là từ 9h-11h30 hoặc sau 15h chiều.
Môi trường học Montessori và sự rèn luyện thể chất
Tại lớp học Montessori, trẻ luôn tự mình lấy dụng cụ học tập, vận động hoặc học với dụng cụ trong suốt thời gian học, sau đó tự tay sắp xếp lại học cụ thật gọn gàng, ngăn nắp. Để hoàn tất một hoạt động học tập trẻ cần thực hành nhiều loại vận động đan xen nhau giúp trẻ điều khiển linh hoạt cử động tay, chân và toàn cơ thể.
Chương trình giảng dạy của trường học Montessori luôn lồng ghép nhiều buổi học rèn luyện thể chất như học yoga, nhảy múa, đóng kịch, các trò chơi đội nhóm,…để trẻ có cơ hội vận động thân thể, giải phóng năng lượng và điều hòa cảm xúc.
Những khu vực vui chơi ngoài trời được thiết kế bày bản để giúp trẻ vừa chơi đùa vừa khám phá, cải thiện tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, mỗi ngày đến lớp đối với trẻ là một trải nghiệm mới, vô cùng thú vị mà không bị ép buộc hay miễn cưỡng.